talk to usto scale up your training and hiring

Trí tuệ Cảm Xúc - Xã Hội (EQ/SQ) là gì và phát triển ra sao?

Published date
07-04-2023
author
Heath Nguyen

Co-founder & CGO

“Chúng tôi định nghĩa trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) là tập hợp con của trí thông minh xã hội (social intelligence) liên quan đến khả năng giám sát cảm nhận và cảm xúc của chính mình và của người khác, phân biệt giữa chúng, và sử dụng thông tin này để điều hướng suy nghĩ và hành động của bản thân một cách tích cực hơn.”

Peter Salovey, Chủ tịch Đại học Yale

Chúng ta vẫn thường được nghe và biết đến nhiều hơn về chỉ số IQ, chỉ số đo lường trí thông minh ở trẻ. Chỉ số IQ càng cao, đứa trẻ được cho là càng thông minh. Tuy nhiên, IQ không là chỉ số duy nhất hay quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển toàn diện hay khả năng tiếp thu kiến thức của con trẻ như nhiều người lầm quan niệm.

Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như giới học thuật, đặc biệt là các nhà tâm lý học từ Đại học Yale, đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng ngang hàng, thậm chí có thể là lớn hơn, của chỉ số đánh giá trí tuệ cảm xúc (EQ) và trí tuệ xã hội (Social Intelligence - SQ) đối với sự nghiệp và cuộc sống của mỗi người. Sự đóng góp của trí tuệ cảm xúc - xã hội có thể đóng góp đến 80-90% vào “thành công” trong cuộc sống người lớn, theo tác giả sách New York Times Best Seller và nhà tâm lý học nổi tiếng Daniel Goleman.

Do đó, hiểu rõ hơn về tầm ảnh hưởng của trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội đến quá trình phát triển nhận thức và tâm hồn của trẻ sẽ giúp phụ huynh giáo dục và rèn luyện con tốt hơn.

Khái niệm cơ bản về trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội

Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence - EQ) được định nghĩa là khả năng nhìn nhận, vận dụng, thấu hiểu, quản lý, và điều khiển cảm xúc. Trẻ có năng lực trí tuệ cảm xúc cao có khả năng tự nhận ra cảm xúc của bản thân và của những người xung quanh. Như vậy, những đứa trẻ với chỉ số EQ cao sẽ biết sử dụng kiến thức về cảm xúc để điều hướng suy nghĩ và hành vi, nhận thức được các trạng thái cảm xúc khác nhau và biết cách điều chỉnh cảm xúc phù hợp hoàn cảnh.

Trí tuệ xã hội (Social Intelligence - SQ) được đánh giá qua cách một đứa trẻ nhận ra, hiểu và phản hồi lại cảm xúc của một người, và cách chúng xây dựng, duy trì các mối quan hệ. Lắng nghe, thấu cảm, chia sẻ, giao tiếp, giải quyết các mâu thuẫn, tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh là những ví dụ điển hình cho thấy trẻ có SQ cao.

Trí tuệ cảm xúc (EQ) và trí tuệ xã hội (SQ), khác với IQ, là một bộ kỹ năng và hành vi. Trong khi trí thông minh phần lớn được quyết định bởi yếu tố di truyền, thì đối với EQ và SQ, trẻ có thể học, phát triển và trau dồi.

Tại sao cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội ở con trẻ?

Trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bồi đắp những kỹ năng cảm xúc và xã hội cho con trẻ trong giai đoạn thơ ấu sẽ xây dựng cho con một nền tảng tối quan trọng cho một sức khỏe tinh thần tốt. Như vậy, con sẽ có khả năng để dựng xây và duy trì mối quan hệ lành mạnh với những người xung quanh con.

Bên cạnh đó, năng lực cảm xúc và xã hội sẽ giúp cho những đứa trẻ tôi luyện sức bền về tinh thần, giúp các con “bật nảy” sau những biến cố, thách thức sau này. Điều này cũng giúp trẻ sở hữu một bộ những giá trị nội tại nhằm dẫn dắt các hành vi. Ví dụ như, trong môi trường giáo dục tiểu học, con sẽ không tránh khỏi những lần bạn bè chơi với nhau và giận dỗi nhau. Với trí tuệ cảm xúc và xã hội được tôi luyện, con sẽ luôn biết cách xử lý những tình huống theo cách phù hợp. Các nghiên cứu từ các nhà khoa học trên toàn thế giới cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ có nhận thức cảm xúc và xã hội sẽ thể hiện tốt hơn trong môi trường trường học. Những đứa trẻ này sẽ biết cách sống hòa đồng với bạn bè và có thể tự giải quyết những cảm xúc tiêu cực như buồn bực, giận dữ, sợ hãi, lo lắng…

Trong quá trình trưởng thành, nhờ vào môi trường cũng như sự kết nối giữa trẻ và những người xung quanh, đứa trẻ sẽ được hình thành trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội. Do vậy, việc thiếu vắng EQ và SQ sẽ gây ra nhiều vấn đề về hành vi và tâm lý ở trẻ. Theo các nhà khoa học tại Đại học Harvard, chỉ số EQ và SQ thấp sẽ dẫn đến các vấn đề sau:

  • Thiếu năng lực quản lý các mối quan hệ giữa các cá nhân
  • Sức khoẻ tâm lý kém ổn định
  • Thiếu năng lực nhận thức cảm xúc và đồng cảm với mọi người
  • Xuất hiện hành vi gây rối

Ngược lại, Theo nghiên cứu của Đại học Yale, một trí tuệ cảm xúc phát triển có khả năng đem lại những lợi ích rất lớn cho cả trẻ và người lớn:

  • Phát triển kỹ năng cảm xúc
  • Giảm tỷ lệ gặp những vấn đề về học tập và tập trung
  • Kiện toàn kỹ năng xã hội và lãnh đạo
  • Cải thiện kết quả học tập
  • Giảm lo âu và trầm cảm
  • Giảm stress và tình trạng kiệt sức

Trau dồi trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội ở trẻ

Chúng ta đã hiểu được tầm quan trọng của 2 loại hình trí tuệ này lên sự phát triển toàn diện của trẻ. Với sự tôi luyện các loại hình trí tuệ trong suốt quá trình trẻ lớn lên, chúng sẽ được trang bị tốt hơn trong cuộc sống. Có thể hiểu, bộ đôi EQ-SQ chính là những tấm áo giáp chắc chắn giúp con sống mạnh mẽ và đương đầu với những thách thức, khó khăn không báo trước, đồng thời cũng giúp con biết trân trọng cuộc sống quý giá qua sự những xúc cảm và sự thấu cảm với con người, môi trường. Theo thời gian, những đứa trẻ với chỉ số EQ-SQ cao sẽ trở thành những người trưởng thành cân bằng, có thể quản lý các tình huống phức tạp một cách hợp lý và bình tĩnh.

Một số lợi ích của việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc và xã hội của trẻ từ khi còn nhỏ:

  • Thành công trong việc quản lý các mối quan hệ
  • Xây dựng sự đồng cảm và nhận thức xã hội
  • Đạt được mức độ tự kiểm soát và hiểu biết về bản thân cao

Xây dựng trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội là một quá trình liên tục. Vậy nên, thời điểm tốt nhất để tôi luyện EQ và SQ chính là từ khi con còn nhỏ. Và cả khi trưởng thành, sự phát triển cá nhân của trẻ sẽ phát triển một tầm cao khác, bởi trẻ sẽ tìm kiếm những giá trị và cảm xúc cao hơn nhằm giúp bản thân đạt được mục đích, ước nguyện trong cuộc sống.

Trí tuệ cảm xúc - xã hội được phát triển như thế nào?

Trí tuệ cảm xúc bắt đầu phát triển khi trẻ mới chào đời. Sự gắn bó tình cảm đầu tiên của con trẻ xuất hiện khi cha mẹ chu cấp những nhu cầu của con. Chất lượng tương tác của trẻ với những người khác trong môi trường thân mật của trẻ, chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em, bạn bè và giáo viên, có thể phát triển hoặc làm suy yếu trí tuệ cảm xúc của trẻ. Trong một nghiên cứu về trẻ mẫu giáo xác định rằng trẻ em phải chịu thái độ tiêu cực thể hiện nhiều cảm xúc tiêu cực hơn.

Đối với các bậc phụ huynh, quan tâm đến cảm xúc của con là bước đầu tiên để rèn luyện trí tuệ cảm xúc và xã hội cho con. Theo UNICEF, những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình có ý thức chịu trách nhiệm xây dựng trí tuệ cảm xúc của mình sẽ được khuyến khích bày tỏ cảm xúc, được lắng nghe và thấu hiểu. Trẻ được giải đáp các thắc mắc, được quan tâm, chú ý đến, ý kiến của trẻ được tôn trọng, lắng nghe và trẻ cảm nhận được tình yêu và sự khen ngợi khi bày tỏ quan điểm, cảm xúc hay những câu hỏi. Từ đó, trí tuệ cảm xúc của trẻ sẽ tự động được củng cố.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động hướng tới cộng đồng như tình nguyện, trồng cây để con bồi đắp tình yêu thương với môi trường, nhân loại và đồng cảm với mọi người. Các hoạt động xã hội không chỉ là cách để con tự tôi luyện trí tuệ cảm xúc, mà giúp con rèn luyện trí tuệ xã hội bởi con có nhận thức cộng đồng và biết quan tâm đến mọi người xung quanh.

Đặc biệt hơn cả, iZi đang tiên phong giới thiệu đến thị trường Việt Nam một giải pháp giáo dục trí tuệ cảm xúc - xã hội với tính tương tác cao và chương trình tham khảo từ SEE Learning® - chương trình giáo dục cảm xúc - xã hội - đạo đức hàng đầu thế giới đến từ Đại học Emory, Hoa Kỳ. Việc đăng ký cho con tham gia một chương trình chuyên sâu về trí tuệ cảm xúc - xã hội cũng là một lựa chọn vô cùng hiệu quả để giúp trẻ phát triển EQ, SQ và sinh hoạt, giao tiếp cùng với các bạn đồng trang lứa.

Nếu phụ huynh và thầy cô quan tâm đến chương trình của iZi, vui lòng tham khảo thêm tại https://izi.community/academy/school.

TỔNG KẾT

Trí tuệ Cảm xúc - Xã hội đóng vai trò then chốt đến sự phát triển đa dạng và đúng đắn của trẻ trong thời đại “thừa thông tin, thiếu cảm thương” của thế kỷ 21. Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan điểm giáo dục này, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã cho rằng: “Khi mài dũa trí tuệ cho những thế hệ tương lai, chúng ta không được phép quên rèn luyện trái tim của họ”. Do đó, không thể phủ nhận tầm quan trọng của EQ và SQ trong quá trình trưởng thành của trẻ 7-12 tuổi nữa, và các bậc phụ huynh nên luôn trau dồi, tìm tòi, tích cực, và sáng tạo trong việc tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để giáo dục trí tuệ cảm xúc - xã hội cho con.

Join Trainizi today to upskill and uplift 1 billion lives of deskless workers worldwide
102,268
Enterprises finding ways to scale your training and hiring?