talk to usto scale up your training and hiring

Tư Duy là Tạo Tác

Published date
11-04-2023
author
ThS. Lương Dũng Nhân

Chuyên gia Học thuật

Nhiều bạn hỏi tôi cách tư duy như thế nào cho hiệu quả, hy vọng bài viết ngắn này sẽ hỗ trợ các bạn giải đáp câu hỏi này.


Sai lầm lớn nhất khi tư duy là cho rằng tư duy chỉ diễn ra và hoàn thiện trong tâm trí của mình. Thực chất, những ý tưởng của chúng ta chỉ thực sự hình thành hoàn chỉnh khi ta đưa ra chúng - TƯ DUY CHÍNH LÀ TẠO TÁC. Ví dụ, bạn không bao giờ nghĩ trọn vẹn một câu, một đoạn nói rồi mới nói ra, mà chỉ hình thành một vài mảnh ý tưởng chính, rồi khi bạn trình bày thành lời, ý tưởng mới xuất hiện hoàn thiện. Lời nói là dạng tạo tác nhanh và đơn giản nhất, còn có các dạng khác như: ghi chú, sơ đồ, mô hình v.v… Không có sự phân biệt giữa tiến trình tư duy và sản phẩm tư duy. Đây là lý do vì sao các phương thức như coaching, mindmap, design-thinking… có khả năng hỗ trợ người sử dụng tư duy hiệu quả hơn.

VÌ SAO TƯ DUY CẦN TẠO TÁC?

Về cơ bản, hoạt động tư duy có ý thức của con người chủ yếu diễn ra trên một cấu phần của hệ thống nhận thức gọi là Trí nhớ Thao tác [working memory]. Đây là phần có khả năng xử lý thông tin mạnh mẽ, nhưng khổ nỗi lại có dung lượng khá giới hạn (từ 4-7 đơn vị thông tin) và thời lượng lưu trữ ngắn (dưới 30 giây). Do đó, các nội dung tồn tại và được trong Trí nhớ Thao tác ở mỗi thời điểm cần rất cô đọng, giản lược, và được thay thế thường xuyên, chứ hiếm khi nào hình thành một điều gì trọn vẹn và chi tiết. Do đó, việc hình thành các sản phẩm tư duy ở bên ngoài tâm trí giúp bổ trợ cho khuyết điểm này của Trí nhớ Thao tác, và giải phóng nó cho những tác vụ xử lý tiếp theo. Chuyện này giống như khi người thợ thủ công thực hiện một sản phẩm phức tạp, do chỉ có một đôi bàn tay, ông ta cần làm hoàn tất từng bộ phận, để qua một bên để làm một bộ phận khác, xong mới lắp ráp chúng lại.

Chi tiết hơn, Trí nhớ Thao tác lại bao gồm bốn cấu phần nhỏ được thể hiện trong hình minh hoạ:

Working Memory Model & Components | What is Working Memory? | Study.com

  1. Bộ xử lý Trung tâm [Central Executive];
  2. Vòng lặp âm vị [Phonologival Loop];
  3. Bảng phác thảo hình ảnh - không gian [Visuospatial Sketchpad]; và
  4. Bộ nhớ đệm về tình tiết [Episodic Buffer].

Bốn cấu phần này cho thấy bản chất của cách não bộ chúng ta tư duy: xử lý các thông tin ở dạng ngữ nghĩa [semantic], hình ảnh và không gian, cũng như các sự kiện, trải nghiệm cuộc sống một cách tuần tự, từng mẩu nhỏ một. Cách làm này rất hiệu quả với những thông tin đơn giản, nhất thời, nhưng hiệu quả sẽ càng giảm với những điều lớn, phức tạp và trừu tượng. Lúc này, việc hỗ trợ cho Trí nhớ Thao tác bằng những sản phẩm tư duy trung gian phát sinh bên ngoài ở dạng ngữ nghĩa (lời nói hay viết), hình ảnh - không gian (sơ đồ, mô hình), hay trải nghiệm (thử nghiệm, tạo mẫu thử [prototype]) sẽ rất hữu ích. Đồng thời, việc vận dụng thành thạo các phương thức tư duy “bên ngoài” cũng sẽ dần hình thành những cơ chế được điều kiện hoá [conditioned mechanism] giúp tâm trí người thực hành cũng dần vận hành hiệu quả và thông suốt hơn.

THỰC HÀNH TẠO TÁC TƯ DUY

Do đó, bạn không thể tư duy thực sự hiệu quả nếu chỉ ngồi và nghĩ trong đầu. Hãy vừa tư duy vừa cho những ý tưởng sơ khai của mình xuất hiện bằng những dạng thức khác nhau: ghi chép, trình bày, thảo luận, sơ đồ hoá, mô hình hoá, thử nghiệm v.v… Tôi thường khuyến khích học trò mình học tập hiệu quả hơn bằng các phương thức tạo tác như vậy chứ không phải chỉ nghĩ trong đầu. Do đó, ai càng ghi chép có hệ thống, phát biểu nhiều, thảo luận nhiệt tình… sẽ càng tư duy và xử lý kiến thức hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng các sản phẩm tư duy cũng sẽ nâng cấp khả năng tư duy của bạn một cách toàn diện và bền vững. Bạn có thể thực hiện một số gợi ý sau đây liên tục mỗi ngày trong vòng một tháng (thời gian tối thiểu để hình thành một thói quen nhỏ) và quan sát xem khả năng tư duy của mình thay đổi ra sao nhé:

  1. Khi liệt kê, hãy gom nhóm - hệ thống hoá các ý thay vì chỉ đưa ra một danh sách
  2. Khi ghi chú, hãy phân tầng: chủ đề, ý chính, ý phụ, ý bổ trợ, v.v… 
  3. Khi muốn diễn giải, giải thích, hãy nêu ý đồ chính trước, rồi các ý giải thích phụ sau.

Tóm lại, muốn tư duy thật sự hiệu quả, đừng chỉ “sống trong đầu” của mình, mà hãy tạo tác những sản phẩm tư duy có chất lượng. Như vậy, tư duy của bạn cũng sẽ có chất lượng.

Nếu bạn thấy bài viết thực sự có ích, xin hãy chia sẻ và lan toả!

#ldn #ldnsharing #thinking #minhthuc

Join Trainizi today to upskill and uplift 1 billion lives of deskless workers worldwide
102,268
Organizations finding ways to scale your training and hiring?