talk to usto scale up your training and hiring

Tuổi trẻ và Thần tượng

Published date
19-04-2023
author
ThS. Lương Dũng Nhân

Chuyên gia Học thuật

Bài viết cung cấp góc nhìn của ThS. Lương Dũng Nhân (Thạc sĩ Giáo dục) - Giám đốc Đào tạo Hệ thống Giáo dục ATY & Đối tác Chuyên môn của iZi.community.

Hiện tại, có nhiều quan điểm trái chiều về văn hóa theo đuổi thần tượng của giới trẻ. Trong bài viết này, tôi muốn cung cấp cho quý độc giả những góc nhìn đa chiều và toàn diện hơn về hiện tượng này, cũng như cách người lớn chúng ta có thể hỗ trợ các bạn trẻ trên hành trình từ hâm mộ thần tượng đến hoàn thiện bản thân.


1. NGƯỜI TRẺ RẤT CẦN CÓ THẦN TƯỢNG ĐÚNG CÁCH


Đầu tiên, chúng ta cần nhận thức rõ rằng: việc có thần tượng để ngưỡng mộ và học hỏi theo có tương quan tích cực với việc hình thành những khái niệm và nhận thức rõ ràng về bản thân trong độ tuổi vị thành niên, theo những nghiên cứu Tâm lý học Phát triển. Bên cạnh đó, một trong những nhu cầu quan trọng cho sự phát triển lành mạnh và trọn vẹn về tâm lý của tuổi teen là việc có nhiều mối quan hệ với bạn bè đồng lứa, và được tương tác tích cực trong nhiều cộng đồng đồng lứa như vậy. Nhìn ở góc độ đó, văn hoá thần tượng khuyến khích sự hình thành các cộng đồng những người có chung thần tượng, tạo thêm cơ hội cho người trẻ phát triển kỹ năng xã hội, đa dạng hoá các mối quan hệ, và tăng cường sự tự tin. 


Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc thần tượng thái quá, đến mức gần như “tôn thờ” thần tượng lại ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hình thành khái niệm về bản thân trọn vẹn, cũng như những giá trị độc lập của một người trưởng thành. Vì vậy, vấn đề cần đặt ra không phải là “người trẻ có nên có thần tượng hay không”, mà nên là “người trẻ nên thần tượng thế nào cho đúng cách”.


2. BỐN CẤP ĐỘ THẦN TƯỢNG


Tôi đưa ra một mô hình tạm gọi là “Bốn cấp độ thần tượng” để các bạn trẻ có thể tự soi xét kỹ hơn về cách mình đang theo đuổi thần tượng. Bốn cấp độ này dựa trên yếu tố cốt lõi khiến bạn thần tượng một ai đó, bao gồm: (1) Sở hữu, (2) Thành tựu, (3) Năng lực, và (4) Giá trị.

 

  • Cấp độ đầu tiên là thần tượng ai đó vì những gì người đó sở hữu, từ các yếu tố vật chất dễ thấy như: tài sản, xe cộ, quần áo, phụ kiện… cho đến những yếu tố xã hội như: sự nổi tiếng, địa vị, quyền thế v.v… Thần tượng vì những điều sở hữu bên ngoài là điều khá dễ dàng, nhất là với những bạn trẻ ưa thích sự hào nhoáng. Tuy nhiên, đây cũng là cách thần tượng ít đem lại ích lợi nhất cho bản thân bạn. Thậm chí, bạn dễ có nguy cơ phung phí nếu cố gắng mua sắm cho giống thần tượng của mình, khiến bản thân gặp nhiều khó khăn và đau khổ về lâu dài.

 

  • Cấp độ thứ hai là thần tượng thành tựu của ai đó, ví dụ những giải thưởng họ đạt được, hay rộng hơn là những đỉnh cao trong sự nghiệp hay sự tôn vinh của cộng đồng. Đây là hình thức thần tượng tích cực hơn so với thần tượng sở hữu, vì nó có thể tạo ra động lực cho bạn cố gắng đạt đến thành tích giống như thần tượng của mình. Tuy nhiên, cách thần tượng này cũng có thể khiến bạn nản lòng, tuyệt vọng khi thấy đích đến quá xa tầm với. Cần nhớ rằng những người bạn thần tượng đạt đến đỉnh cao qua một quá trình nỗ lực lâu dài, với những trả giá to lớn nhưng hiếm khi được công chúng biết đến.

 

  • Cấp độ thứ ba là thần tượng về năng lực, tài năng. Cách này tích cực hơn cấp độ hai, vì bạn sẽ hướng tới mục tiêu rèn luyện được khả năng tương tự như thần tượng của mình, thay vì đuổi theo những thành tích cao xa của họ. Cách theo đuổi thần tượng này tạo cho bạn động lực để nỗ lực và cố gắng hoàn thiện bản thân, cũng như khuyến khích bạn tìm hiểu kỹ hơn cách thần tượng đã rèn luyện hiệu quả trong quá khứ, những bài học kinh nghiệm của họ. Trong thể thao, chúng ta đã từng chứng kiến những cô, cậu bé theo đuổi thần tượng theo cách này đã có lúc vượt qua được thần tượng của họ trong bộ môn đó, như trường hợp của tay bơi trẻ Joseph Schooling đánh bại thần tượng của mình là huyền thoại Michael Phelps tại Olympic 2016.

 

  • Còn cấp độ cao nhất, tích cực nhất trong việc thần tượng, đó là thần tượng về giá trị và lẽ sống. Ở cấp độ này, người bạn thần tượng có thể là những vĩ nhân, cũng có thể là những con người rất bình dị xung quanh bạn. Miễn là ở họ, bạn có thể nhìn thấy sự hiện thực hóa những giá trị quan trọng mà bản thân bạn mong muốn mình có được, ví dụ như: lòng nhân ái, sự tự do, tính sáng tạo, sự kiên cường v.v… Theo tôi, đây là cấp độ thần tượng có giá trị lớn nhất đến sự phát triển bản thân và việc sống trọn vẹn, hạnh phúc của bạn. Con người sẽ phát triển ở mức độ cao nhất nếu được sống đúng với những giá trị mình xem trọng - hay còn gọi là tìm được lẽ sống của đời mình. Tuy vậy, hành trình tìm kiếm đó không hề dễ dàng, và việc cảm thấy được “cộng hưởng” với một số lẽ sống của những người mình thần tượng là một khởi đầu thuận lợi cho hành trình ý nghĩa này. Cần lưu ý rằng không nhất thiết giá trị và lẽ sống của bạn sẽ giống y như thần tượng của mình, hãy xem đó là những hệ quy chiếu để tự mình khám phá và định hướng hệ giá trị riêng cho mình.

 

Như vậy, ta có thể thấy rằng, để đạt đến những cấp độ thần tượng cao hơn, các bạn trẻ cần mở rộng phạm vi những nhân vật mình có thể thần tượng: không chỉ gói gọn trong những ngôi sao đang nổi tiếng trong các lĩnh vực dễ thấy như nghệ thuật, thể thao, giải trí…, thần tượng có thể bao gồm những nhân vật đã và đang có cống hiến cho xã hội trong các lĩnh vực khác như: kinh doanh, khoa học, chính trị, tôn giáo, giáo dục…; đặc biệt nhất, vì sao thần tượng lại không thể là những con người thú vị và gần gũi nhất xung quanh bạn: ba mẹ, thầy cô?


3. BA CÁCH HỌC TỪ THẦN TƯỢNG


Một phương diện khác cần lưu tâm là cách các bạn học hỏi từ thần tượng của mình. Có ba hình thức chính là: bắt chước, theo bước, và học hỏi có chiến lược.

  • Bắt chước là hình thức dễ nhất nhưng cũng kém hiệu quả nhất, khi các bạn sao chép vẻ bề ngoài, quần áo, phong cách, những lời nói hay cách cư xử hàng ngày của thần tượng mà không tiếp cận được giá trị nội tại.
  • Theo bước thì tốt hơn trong việc rèn luyện kỹ năng: bạn biết được từng bước phát triển năng lực, cách rèn luyện trong quá khứ của thần tượng mình ra sao, và bạn áp dụng những phương pháp tương tự để phát triển chính mình. 
  • Học hỏi có chiến lược sẽ là cách hiệu quả nhất. Đó là khi bạn quan sát, nghiên cứu, phân tích, so sánh và chọn lựa những điểm nào của thần tượng phù hợp cho sự phát triển của mình, còn điểm nào mình nên lọc bỏ. Việc có cho mình nhiều thần tượng khác nhau để đối chứng và bổ sung, cũng như đón nhận những quan điểm, giá trị khác biệt hay thậm chí phản biện lại thần tượng của mình một cách công tâm và khách quan cũng rất quan trọng. Có như vậy, bạn mới thực sự tận dụng việc thần tượng để phát huy tối đa tiềm năng độc đáo của mình, chứ không phải biến mình thành một bản sao của ai đó.


4. CẦN HỖ TRỢ NGƯỜI TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

Hành trình phát triển bản thân của người trẻ luôn cần sự hỗ trợ của những người đi trước, của cộng đồng. Để các bạn đạt được những cấp độ thần tượng cao hơn, cũng như có thể học hỏi có chiến lược từ thần tượng, tôi mong rằng những người có nhiều cống hiến tích cực cho xã hội ở những lĩnh vực ít nổi tiếng hãy chia sẻ nhiều hơn về những giá trị sống của mình, cũng như quá trình mình rèn luyện, học hỏi để đạt đến thành công. Hãy cho người trẻ có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu với mình nhiều hơn, nhìn thấy rõ những cống hiến mình mang lại cho xã hội, và công nhận tiềm năng, khuyến khích tinh thần tương tự ở những người trẻ. Như vậy cũng là một cống hiến lớn cho tương lai của chúng ta và các thế hệ sau.

 

Join Trainizi today to upskill and uplift 1 billion lives of deskless workers worldwide
102,268
Organizations finding ways to scale your training and hiring?