talk to usto scale up your training and hiring

Học để làm gì?

Published date
11-04-2023
author
Laura Phan

Founder & CEO

Không một giây phút nào trong cuộc sống mà chúng ta không học. Có lẽ từ ngày mới chớm tế bào thần kinh đầu tiên trong bụng mẹ đến khi cho đi hơi thở cuối cùng, chúng ta đã không ngừng học tập và trao dồi, bằng nhiều phương tiện khác nhau. Chúng ta học những cử động đầu tiên, học những cảm giác của giác quan, học cách bày tỏ, học cách suy nghĩ, học cách lắng nghe và thấu hiểu, học cách sẻ chia, học cách giận dữ và thứ tha, học cách tham lam và biết đủ để cho đi, học cách đố kỵ và thấu cảm bao dung, học cách tạo giá trị, học cách gây ảnh hưởng, học để biết tận hưởng niềm vui cuộc sống và biết vui vì chính niềm vui của người khác… Tự bao giờ học chỉ là để thi và để kiếm tiền? Và học giỏi tức là thi được điểm cao và kiếm được nhiều tiền?

Chúng ta xem câu chuyện kinh tế sản xuất và tiêu thụ là một sự thật hiển nhiên của mục đích sống, còn những niềm vui nhỏ nhoi hằng ngày là phương tiện để giúp chúng ta có thêm năng lượng để theo đuổi mục đích đó. Vì lẽ đó chúng ta chọn học để tham gia đường đua sản xuất và tiêu thụ - một đường đua không có đích đến vì “Thế giới có đủ cho nhu cầu của mọi người nhưng không đủ cho lòng tham của tất cả” (The world has enough for everyone's need, but not enough for everyone's greed) - câu nói nổi tiếng của Thầy Mahatma Gandhi trong triết lý của ông về đời sống bền vững. Và để củng cố sức lực cho đường đua đó, chúng ta lại chọn học để cố gắng cân bằng cuộc sống, để trấn an tinh thần, để giải tỏa căng thẳng, để trị liệu tâm lý. Vậy câu chuyện kinh tế được con người bắt đầu kể cho nhau nghe như thế nào mà có sức mạnh thống trị siêu nhiên thế nhỉ?

Fiat Money: Definition, How It Works, Pros & Cons

Nguồn ảnh: Business Insider

Không thể không nhắc tới vai trò lớn lao của các cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt nguồn từ những phát minh đột phá gây ảnh hưởng toàn diện lên đời sống con người từ hơn 200 năm trước: Động cơ hơi nước, Điện, Máy vi tính và gần đây nhất là Trí tuệ Nhân tạo. Các phương tiện mới xuất hiện nhằm giải phóng sức lao động cơ bắp của chúng ta, từ cơ tay chân đến cả “cơ não”, và làm đường đua trở nên kịch tính hơn, thú vị hơn và cũng phân hoá hơn. Như một hệ quả tất yếu, chúng ta sản xuất được nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn và chi phí rẻ hơn, vì vậy chúng ta tha hồ mà tiêu thụ và với cùng một nhu cầu tiêu thụ thì phân hạng nào cũng có - một chiếc áo để che thân có thể có giá từ 10 nghìn đồng đến vài tỷ đồng. Chúng ta ra sức đua để leo hạng. Và nó lặng lẽ trở thành mục đích của tồn tại. Với mục đích đó, nhu cầu học hướng hẳn ra bên ngoài để gia tăng hiểu biết chi tiết về khách thể và điều này cũng lặng lẽ trở thành giá trị sống: một vị luật sư ở văn phòng luật danh tiếng thì có giá trị hơn một chú sửa xe ở góc ngã tư vì anh ta có nhiều hiểu biết khách thể hơn và giá trị tài sản ròng (net worth) cao hơn. Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện về cuộc trò chuyện của một doanh nhân và người đánh cá ở Brazil:

Có một doanh nhân nọ đang ngồi bên bờ biển ở một ngôi làng nhỏ ở Brazil.

Khi đang ngồi, anh nhìn thấy một ngư dân bản địa đang chèo một chiếc thuyền nhỏ vào bờ đã bắt được khá nhiều cá lớn.

Vị doanh nhân này rất ấn tượng và hỏi người đánh cá: "Anh mất bao lâu để câu được nhiều cá như vậy?"

Người đánh cá trả lời: “Ồ, chỉ một lúc thôi.”

"Vậy tại sao bạn không ở lại biển lâu hơn và đánh bắt nhiều hơn?" Doanh nhân đã rất ngạc nhiên.

“Số tiền này đủ nuôi cả gia đình tôi,” ngư dân nói.

Sau đó, doanh nhân hỏi: "Vậy, bạn làm gì trong thời gian còn lại trong ngày?"

Người đánh cá trả lời: “À, tôi thường dậy sớm vào buổi sáng, ra khơi và bắt một vài con cá, sau đó trở về chơi với lũ trẻ của tôi. Buổi trưa, tôi nghỉ trưa với vợ, và tối đến, tôi cùng bạn bè trong làng uống rượu - chúng tôi chơi đàn, ca hát và nhảy múa suốt đêm.”

Vị doanh nhân thấy thế bèn đưa ra một gợi ý cho người đánh cá.

“Tôi là tiến sĩ quản lý kinh doanh. Tôi có thể giúp ông trở thành một người thành công hơn. Từ bây giờ, ông nên dành nhiều thời gian hơn trên biển và cố gắng đánh bắt càng nhiều cá càng tốt. Khi tiết kiệm đủ tiền, ông có thể mua một chiếc thuyền lớn hơn, thuê thêm vài người và bắt được nhiều cá hơn. Ông sẽ sớm có đủ khả năng để mua thêm thuyền, thành lập công ty, nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp và phát triển mạng lưới phân phối của riêng mình. Đến lúc đó, ông sẽ rời khỏi ngôi làng này và đến Sao Paulo, nơi ông có thể thành lập Tổng hành dinh để quản lý các chi nhánh khác của mình.”

Người đánh cá tò mò: "Và sau đó?"

Doanh nhân cười sảng khoái, "Sau đó, ông có thể sống như một vị vua trong chính cơ ngơi của mình, và khi thời điểm thích hợp, ông có thể niêm yết cổ phiếu và thả nổi cổ phiếu của mình trên Sàn giao dịch chứng khoán, và ông sẽ giàu có."

Người đánh cá tiếp tục tò mò, "Và sau đó?"

Doanh nhân nói: “Sau đó, ông cuối cùng cũng có thể nghỉ hưu, ông có thể chuyển đến một ngôi nhà bên làng chài, thức dậy sớm vào buổi sáng, bắt một vài con cá, sau đó trở về nhà chơi với lũ trẻ, đánh một giấc trưa ngon lành với vợ của ông, và khi tối đến, ông có thể cùng bạn bè đi uống rượu, chơi ghi-ta, ca hát và nhảy múa suốt đêm!”

Người đánh cá bối rối, "Đó không phải là những gì tôi đang làm bây giờ sao?"


Tôi kể lại câu chuyện này không phải để phán xét giới doanh nhân hay tư bản. Ngược lại, tôi trân trọng họ và tin tưởng vào triết lý “tri thức sống là tri thức tạo ra đồng tiền hợp lý, nếu không tạo ra tiền thì tri thức chỉ là tri thức chết” của người Do Thái trong kinh Talmud của họ. Lý do chính làm tôi nhớ đến câu chuyện này là khi suy tư về tính “hợp lý” của mỗi người trong mục đích và sự lựa chọn phương tiện sống cho mình. Tìm tính hợp lý này ở đâu?

Chúng ta mải mê tìm kiếm nó trong tiến trình khám phá và chinh phục những khách thể, đi tới tận cùng khả năng chúng ta có về tư duy lý trí, tính toán, khoa học. Để rồi quay lại vào bên trong chủ thể với những câu hỏi trừu tượng về đời sống tinh thần, cảm nhận, tâm linh. Mượn triết học Trung Hoa cổ để diễn giải cho hiện tượng này thì có thể ví von “cực dương thì sinh âm, và cực âm thì sinh dương”. Dù chọn đi sâu vào khách thể hay chủ thể thì đều không tìm được câu trả lời cho vị trí của sự “hợp lý”, mà nó nằm ở điểm giữa cân bằng động của hai hiện tượng này. Không tồn tại một câu trả lời xác định cho cả đời sống mà chỉ có câu trả lời cho mỗi thời điểm cụ thể, và cứ thế nó sống động trong suốt đời sống. Vì vậy mà không một giây phút nào trong cuộc sống mà chúng ta không học.   

Nền giáo dục hiện tại của chúng ta đã rất xuất sắc trong việc giúp chúng ta gia tăng hiểu biết về khách thể và tự tin tương tác với đa dạng khách thể mà chúng ta có để đo đếm. Còn hiểu biết về chủ thể - về chính chúng ta, và về những điều không thể đo đếm được như cảm xúc, ước mơ của người khác, thì sao?

Pin on g

Thầy Hà Vĩnh Thọ đã rất hào phóng chia sẻ kinh nghiệm quý báu và trí tuệ sâu sắc của mình về chủ đề này trong quyển sách “Hạnh phúc là con đường”, xuất bản năm 2022 tại Việt Nam, mà tôi may mắn được một người Thầy khác của mình tặng. Quyển sách nói về Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia, tầm nhìn và cách thực thi của Bhutan, của Thầy về việc xây dựng hạnh phúc, an sinh cho cộng đồng. Trong sách Thầy có nhắc rất nhiều về “Kỹ năng Hạnh phúc” mà tôi xin phép gọi bằng “Kỹ năng Cảm xúc - Xã hội”. Hiểu biết về chủ đề học tập Cảm xúc - Xã hội (Social Emotional Learning) của chúng ta chỉ mới được thành hình và thực hành khoảng 30 năm bởi tổ chức CASEL (Collaborative for Academic, Social, and Emotional Learning, 1994), và gần nhất cách đây 3 năm là khung chương trình Cảm xúc - Xã hội - Đạo đức (Social Emotional Ethical Learning) từ Đại học Emory với sự hỗ trợ sâu của ngài Đạt Lai Lạt Ma trong “hy vọng và mong muốn một ngày nào đó, giáo dục chính thức sẽ chú ý đến cái mà ngài gọi là “giáo dục trái tim””.

“Kỹ năng hạnh phúc”, “Giáo dục trái tim”, “Học tập Cảm xúc - Xã hội” hay bất kỳ tên gọi nào khác thì những nhà giáo dục vĩ đại trong thời đại này đều đang muốn truyền tải thông điệp đến chúng ta rằng: Đã đến lúc chúng ta cần học về chủ thể - về chính chúng ta, và về những điều không thể đo đếm được như cảm xúc, ước mơ của người khác.

10 emotional intelligence tips from the masters | The Enterprisers ProjectNguồn ảnh: The Enterprisers Project

Hãy thử hình dung chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào nếu như có thể hiểu rõ nguồn cơn của những cảm xúc, mong muốn, khát vọng và hành động của mình và hiểu được những khả năng tác động của nó lên người khác và ngược lại? Có lẽ tất cả những người thành công đều sở hữu khả năng này, hoặc dùng để thao túng hoặc dùng để ảnh hưởng. Thực tế chứng minh “mức độ đóng góp của EQ chiếm 90% trong sự thành công của một nhân viên xuất sắc so với đồng nghiệp có IQ tương đương”; các bài báo cáo gần đây của McKinsey và Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới cũng nhấn mạnh vai trò trọng yếu của nhóm “kỹ năng Cảm xúc - Xã hội” cho Tương lai nghề nghiệp. Nhưng chúng ta đã không được dạy cách học và dùng khả năng này như thế nào để tiệm cận được điểm “hợp lý” trong sự cân bằng động của bản thân mình để “cách thành công” trở thành một lựa chọn thay vì một tiêu chí đánh giá.

Mở rộng thế giới quan theo chiều kích của Cảm xúc - Xã hội sẽ giúp nhận diện và phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, thông qua đó giúp chúng ta làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình và một cách tự nhiên tự biết tạo dựng giá trị cho cộng đồng xã hội bằng nhiều phương tiện khác nhau. Dấn thân vào sự nghiệp Giáo dục, tại iZi.community, chúng tôi chọn nối dài sứ mệnh của các nhà giáo dục tâm huyết bằng cách chọn theo đuổi chủ đề “Kỹ năng Cảm xúc - Xã hội” thông qua những cải tiến về định dạng truyền tải trò chơi hoá trên nền tảng công nghệ để tiếp cận được đến nhiều cộng đồng hơn. Chúng tôi mong ước rằng những kỹ năng thực tế xuất phát từ hiểu biết sâu sắc về chính mình, về người khác, về các mối tương quan trong đời sống mình sẽ giúp mọi người biết ra những quyết định vì niềm vui cuộc sống và biết vui vì chính niềm vui của người khác.

Help One Another With Big Sunday's 'Summer List' – NBC Los Angeles

Nguồn ảnh: NBC

“Học để mở mang hiểu biết, Học để tạo dựng giá trị, Học để tự hoàn thiện mình, Học để chung sống” (Learning to know, Learning to do, Learning to be, Learning to live together) - UNESCO

#socialemotionallearning #socialemotionalskill #learnonizi

Join Trainizi today to upskill and uplift 1 billion lives of deskless workers worldwide
102,268
Organizations finding ways to scale your training and hiring?